Tin thế giới

Mỹ-Hàn thu nhỏ tập trận trước họp thượng đỉnh với Triều Tiên

24/04/2018, 10:08 pm
 
Lính Mỹ trong cuộc tập trận Đại bàng non năm 2015. Ảnh: AP.

Lính Mỹ trong cuộc tập trận Đại bàng non năm 2015. Ảnh: AP.

Đợt tập trận thường niên thuộc hàng lớn nhất thế giới Đại bàng non và Giải pháp then chốt giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 1/4,  dự kiến sẽ kéo dài tới cuối tháng hoặc lâu hơn. Thông thường, hoạt động này diễn ra vào tháng 3 hoặc sớm hơn.

Mỹ và Hàn Quốc đã cắt giảm đáng kể quân số tập trận trong những năm gần đây, nhưng lại sử dụng hàng loạt khí tài hiện đại nhất trong biên chế. Trong cuộc tập trận năm nay, Mỹ lần đầu triển khai tàu đổ bộ USS Wasp, nổi bật nhờ khả năng vận hành tiêm kích F-35B. Mẫu phi cơ này được coi là mối đe dọa lớn với Bình Nhưỡng, vì chúng có thể được triển khai trong nhiều kịch bản tấn công lãnh thổ Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson, vốn gây ra phản ứng mạnh mẽ từ chính quyền Triều Tiên hồi năm ngoái, không tham gia cuộc tập trận năm nay. Mỹ và Hàn Quốc cũng tuyên bố hủy hoạt động diễn tập đổ bộ quy mô lớn tại thành phố Pohang, với lý do điều kiện thời tiết.

Đợt tập trận năm nay đã không gây leo thang căng thẳng như năm ngoái. Tuy nhiên, Mỹ vẫn thực hành sơ tán lực lượng khỏi Hàn Quốc, dù đây không phải nội dung chính thức của Đại bàng non. Để tăng tính thực tế, khoảng 100 tình nguyện viên được đưa từ Hàn Quốc về lãnh thổ Mỹ, thay vì chỉ tới Nhật Bản như các lần trước.

Tàu đổ bộ USS Wasp. Ảnh: US Navy.

Tàu đổ bộ USS Wasp. Ảnh: US Navy.

Việc thu nhỏ quy mô tập trận dường như là ý tưởng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông từng khẳng định đã thuyết phục Washington hoãn tập trận tới sau Olympic mùa đông Pyeongchang, diễn ra hồi tháng 2 năm nay. Đổi lại, Triều Tiên có thể ngừng các vụ phóng tên lửa và hoạt động khiêu khích khác.

Quan chức Lầu Năm Góc thì cho rằng vấn đề chính của việc trì hoãn này nằm ở khâu hậu cần khi hoạt động quân sự diễn ra trùng thời điểm với Olympic, đồng thời nhấn mạnh bản chất cuộc tập trận vẫn không đổi. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng phản ứng thận trọng, bày tỏ sự "thông cảm" khi đợt tập trận không bị hủy bỏ mà chỉ hoãn lại.

Việc hai bên nhường nhịn nhau có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu không có điều này, nhiều khả năng hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ không diễn ra. Ông Moon không công khai đề nghị hủy tập trận, nhưng việc sẵn sàng trì hoãn đã gợi mở khả năng ông Kim Jong-un có hành động tương tự trong tương lai.

Hy vọng kết thúc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tăng lên trong những tháng gần đây sau khi lãnh đạo hai miền đồng ý đối thoại. Cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim và ông Moon dự kiến diễn ra vào ngày 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom, thuộc khu phi quân sự (DMZ).

Tổng thống Moon nhiều khả năng đưa ra tuyên bố hòa bình chính thức với Triều Tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 nếu hai lãnh đạo đạt được thỏa thuận. Về mặt kỹ thuật, Seoul và Bình Nhưỡng vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc hồi năm 1953 bằng một hiệp ước đình chiến chứ không phải hiệp định hòa bình.

Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố sẽ dừng thử hạt nhân và tên lửa để tập trung vào phát triển kinh tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi động thái này là tin tốt cho thế giới.

Việt Hòa